Bối cảnh Trục xuất người Triều Tiên ở Liên Xô

Những người nhập cư từ Triều Tiên đến vùng Viễn Đông đã lần đầu được ghi nhận vào đầu những năm 1860.[9] Những người nông dân nghèo khổ, bất chấp lệnh cấm từ chính quyền Triều Tiên, đã di cư sang các vùng Viễn Đông thuộc Nga, chủ yếu ở Primorskaya và Amur. Họ được đón nhận bởi chính quyền Nga, thậm chí còn được khuyến khích nhập tịch và nhiều người Triều Tiên đã cải sang Chính thống giáo.[9][10] Nông dân Nga địa phương cũng khuyến khích nhập cư để kiếm lãi từ cho thuê đất.[11] Vào những năm 1880, có 761 gia đình với 5.310 nhân khẩu sống trong lãnh thổ Nga. Theo các điều khoản của hiệp ước Nga-Triều Tiên được ký kết vào ngày 25 tháng 6 năm 1884, tất cả những người Triều Tiên sống ở Viễn Đông cho đến ngày đó đều được công nhận quyền công dân và đất đai, nhưng những người đến sau không được phép ở lại lâu hơn hai năm.[10] Sau khi Triều Tiên bị Nhật Bản thôn tính, số người di cư sang Nga tăng lên nhanh chóng. Các trường dạy tiếng Triều Tiên và báo tiếng Triều Tiên được thành lập. Một bộ máy hành chính dân tộc thiểu số ở Viễn Đông được thành lập với cơ quan toàn quyền về các vấn đề Triều Tiên. Người Triều Tiên được tuyển dụng vào bộ máy hành chính Viễn Đông. Đường lối chính sách này cho thấy người Triều Tiên là một dân tộc thiểu số kiểu mẫu của Liên Xô, tương phản sâu sắc với những người Triều Tiên khốn khổ sống dưới sự chiếm đóng của thực dân Nhật Bản.[12] Dân số Triều Tiên ở Viễn Đông tăng từ 32.410 vào năm 1902 lên 59.715 vào năm 1912,[9] và 168.009 vào năm 1926.[13] Trong số đó, có 84,3% tổng số hộ gia đình người Triều Tiên không sở hữu đất và chỉ có 32,4% được cấp quyền công dân.[14]

Tuy nhiên, với việc Liên Xô chính thức lên nắm quyền, xung đột xảy ra giữa các nhóm dân tộc về vấn đề đất đai.[15] Chính sách của Liên Xô kêu gọi chuyển nhượng đất đai từ địa chủ cho những người canh tác. Điều này có nghĩa là trao đất thuộc sở hữu của người Nga cho những người thuê đất nhập cư. Người Nga phản ứng bằng cách từ chối thuê đất và yêu cầu người Triều Tiên tái định cư vào một khu vực khác.[16] Bên cạnh đó, sau Chiến tranh Nga-Nhật 1904–1905 và sự kiện Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, các quan chức Liên Xô gia tăng sự nghi ngờ đối với người Triều Tiên, lo sợ họ có thể được sử dụng làm gián điệp hoặc tuyên truyền phản cách mạng.[17] Quan chức Liên Xô cũng lo ngại rằng sự gia tăng người nhập cư có thể bị Nhật Bản sử dụng như một cái cớ để mở rộng lãnh thổ.[16] Chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp để ngăn cản làn sóng nhập cư tiếp theo.[11] Cũng trong giai đoạn này, đề xuất thành lập một Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết tự trị cho người Triều Tiên bị bác bỏ vào năm 1925.[16] Vào ngày 6 tháng 12 năm 1926, chính phủ trung ương đã ban hành một sắc lệnh xác nhận kế hoạch tái định cư hầu hết người dân Triều Tiên ra phía bắc vĩ tuyến 48,5 (phía bắc Khabarovsk). Theo sắc lệnh này, tất cả những người Triều Tiên chưa được cấp đất - hơn một nửa dân số - sẽ được tái định cư về phía bắc, trên đất do chính phủ cung cấp, cho phép họ có cơ hội tốt hơn để phát triển văn hóa dân tộc.[12] Điều này đã khiến những người Cộng sản Trều Tiên tức giận bởi họ vốn đang canh tác trên những vùng đất màu mỡ và bị buộc phải di dời không tự nguyện.[12] Kế hoạch này chưa từng được thực hiện.[18]

Từ năm 1928 đến năm 1932, bạo lực bài Triều Tiênbài Trung Quốc gia tăng ở vùng Viễn Đông, khiến 50.000 người nhập cư phải chạy về Triều Tiên.[19] Vào ngày 13 tháng 4 năm 1928, chính quyền Liên Xô thông qua nghị định yêu cầu di chuyển người Triều Tiên phải ra khỏi vùng biên giới nhạy cảm, từ Vladivostok đến Khabarovsk, và để định cư người Slav vào khu vực, hầu hết bao gồm các lính Hồng quân đã xuất ngũ. Một kế hoạch 5 năm chính thức kêu gọi tái định cư cho 88.000 người Triều Tiên không có quốc tịch ở phía bắc Khabarovsk, ngoại trừ những người đã chứng tỏ lòng trung thành và sự tận tâm hoàn toàn của họ đối với của Liên Xô.[19] Trên thực tế, chỉ có 1.342 người Triều Tiên tái định cư vào năm 1930, trong đó có 431 người bị ép. Năm 1931, kế hoạch chính thức bị hủy bỏ. Cuối cùng, chỉ có năm trăm gia đình (khoảng 2.500 người) được tái định cư.[20]